Ứng dụng và vai trò xử lý nước thải của vôi
Vôi không chỉ ứng dụng trong sản xuất và xây dựng mà còn được ứng dụng trong xử lý nước thải. Vậy vôi sử dụng trong xử lý nước thải đóng vai trò như thế nào? Ưu nhược điểm của phương pháp xử lý nước này là gì? Cùng Song Giang tìm hiểu kỹ hơn trong nội dung sau đây.
Vôi trong xử lý nước thải tồn tại ở dạng nào?
Vôi trong xử lý nước thải thường tồn tại dưới 2 dạng chính là dạng bột và dạng cục với công thức hóa học là CaO. Chúng được sản xuất bằng cách nung nóng CaCO3 ở nhiệt độ cao. Trong đó:
- Vôi cục là tồn tại dưới dạng chất rắn có kích thước 1 đến 15cm và thường bị lẫn với một số tạp chất khác. Chúng thường rất dễ phản ứng với nước hoặc hơi nước giải phóng Ca(OH)2 - chất có khả năng tạo điều kiện kiềm trong nước giúp xử lý nước thải.
- Vôi bột thường được sản xuất bằng cách nghiền mịn vôi cục. Chúng có màu trắng ngà hoặc màu trắng đục với độ trắng đạt từ 80 đến 85%. Kích thước hạt mịn từ 0,1 đến 0,15mm.
Tìm hiểu vai trò của vôi khi xử lý nước thải
Vôi được ứng dụng nhiều trong xử lý nước thải của nhiều ngành nghề khác nhau. Điển hình nhất là cho các loại nước thải chứa nhiều axit, chứa kim loại nặng, chứa mầm bệnh,...
Giúp ổn định độ PH trong nước
Khi vôi phản ứng với nước sẽ tạo ra chất Ca(OH)2 tạo thành môi trường kiềm giúp trung hòa axit trong nước thải, từ đó cân bằng độ PH trong nước. Bên cạnh đó, chúng còn giúp khử phèn, khử chua, tăng kiềm đồng thời diệt luôn các mầm bệnh gây hại trong nước.
Vôi giúp xử lý amoni trong nước thải
Vôi được sử dụng để kiềm khóa nước thải và chuyển đổi NH4+ thành dạng không ion hóa NH3, có khả năng bay hơi. Điều này rất hữu ích trong việc xử lý nước thải có nồng độ amoni cao.
Vôi giúp làm giảm tính độc của nước thải
Nếu độ pH trong nước cao đặt đến 12 thì các kim loại nặng sẽ kết tủa. Với sự có mặt của ion Ca2+ cũng sẽ dễ dàng tạo nên các chất kết tủa giúp việc loại bỏ chúng hơn.
Ngoài ra, môi trường kiềm còn có thể làm thay đổi và phá vỡ cấu trúc hóa học của các hợp chất hữu cơ, giúp khử mùi hôi, khử khuẩn, … nhờ đó mà độc tính của trong nước thải cũng được giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, vôi còn được con người sử dụng để diệt tảo, sát khuẩn, giảm phân hủy bã bùn đáy ao, làm sạch nước ao nuôi cá,... giúp tạo điều kiện lý tưởng để nuôi trồng các loại thủy sản.
Tìm hiểu ưu và nhược điểm của vôi trong xử lý nước thải
Hiện nay, vôi được rất nhiều đơn vị lựa chọn để xử lý nước thải với nhiều ưu điểm nổi bật như:
- Dễ dàng tìm nơi mua, có thể mua với số lượng lớn mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
- Giá thành rẻ với nhiều loại vôi để lựa chọn sử dụng.
- Quá trình sử dụng đơn giản không cần kỹ thuật cầu kỳ phức tạp.
- Tạo độ kiềm cao và khi ở mức bão hòa, nước vôi có độ PH rất cao = 12 .
Bên cạnh những ưu điểm, vôi bột cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế như:
- Vôi có tính hút ẩm rất cao, vì vậy nếu không được bảo quản đúng cách thì vôi rất dễ phản ứng với hơi nước làm giảm tác dụng.
- Sau quá trình xử lý thường tạo thành các cặn bẩn gây tắc nghẽn vòi, ống dẫn nước, gây nên những phát sinh chi phí về thu gom xử lý cặn bẩn.
- Tuy có khả năng diệt mầm bệnh, vi khuẩn có hại nhưng chúng cũng tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi trong nước.
- Khi xử lý nước thải cần sử dụng một lượng lớn khiến chi phí đội lên cao.
- Hiệu quả làm sạch nước chưa quá cao vì vậy chỉ thích hợp sử dụng cho nước thải sinh hoạt hoặc môi trường nước ít chất hữu cơ độc hại.
Vừa rồi là những thông tin về ứng dụng, ưu và nhược điểm của vôi trong xử lý nước thải. Có thể thấy, phương pháp này giúp mang lại nhiều tác dụng như điều chỉnh ph, loại bỏ kim loại nặng, chất hữu cơ,...